Bàn tay của Chúa - Từ Maradona đến Suarez: 2 khoảnh khắc ‘thiên tài xấu xí’ trong lịch sử World Cup
Nhắc đến kỳ World Cup 1986, khoảnh khắc người ta nghĩ đến đầu tiên có lẽ là bàn thắng "Bàn tay của Chúa" của Maradona. 24 năm sau, Luis Suarez đã tái hiện pha bóng này. Tuy nhiên, không phải để ghi bàn, mà là để cứu thua cho đội nhà.
Bỏ lại phía sau các cầu thủ Anh đang gào thét với trọng tài, Diego Maradona chạy về phía khán đài như không có gì xảy ra. Cậu bé Vàng ăn mừng thật phấn khích để xua tan những nghi ngờ. Chúng ta đang nhắc đến màn ăn mừng của Maradona khi ghi bàn mở tỷ số trận tứ kết World Cup 1986.
Phút 51, sau khi đi bóng qua vài cầu thủ Anh, Maradona chuyền cho Jorge Burruchaga rồi thoát xuống. Steve Hodge móc bóng nhưng vô tình lại hướng đến vị trí của Maradona. Những gì xảy ra tiếp theo là bóng vọt qua tay thủ môn Peter Shilton và lăn vào lưới. Thật khó tin khi cầu thủ thấp bé như Maradona lại đánh bại Shilton. Tất nhiên Maradona đã chơi chiêu khi dùng tay trái đấm bóng.
Sau khi trận đấu khép lại, với chiến thắng chung cuộc 2-1 cho Albiceleste, Maradona tự tin giơ tay trái lên tuyên bố: “Đây là bàn tay của Chúa”. 24 năm sau, vẫn là một trận tứ kết World Cup, “Bàn tay của Chúa” được lặp lại bởi một tiền đạo Nam Mỹ tinh quái khác. Lần này là Luis Suarez, trong trận đấu giữa Uruguay và Ghana.
Tình huống đầu tiên và cũng nổi tiếng nhất chính là bàn thắng không hợp lệ của Maradona ở World Cup 1986 trên đất Mexico. Ở giải đấu này, thế giới bóng đá đã chứng kiến Maradona đầy huyền ảo. Từng bước chạy, từng pha rê bóng, tiểu xảo của ông khiến cho những người hâm mộ "mê hoặc". Chẳng quá khi nói rằng, một mình Maradona đã đưa đội tuyển Argentina lên đỉnh thế giới.
Tại vòng bảng, Maradona chỉ ghi một bàn vào lưới Italy. Tuy nhiên, tới vòng knock-out, "Cậu bé vàng" đã thể hiện rõ vai trò và tầm ảnh hưởng của mình. Trong trận tứ kết với Anh, Maradona đã ghi 2 bàn thắng, và đều là những pha lập công để đời.
Ở bàn mở tỷ số, huyền thoại người Argentina đã dùng tay, đưa bóng vào lưới. Dù vậy, tình huống đó diễn ra quá nhanh, khiến trọng tài không thể theo kịp. Jorge Valdano, đồng đội của Maradona khi đó là người hiểu rõ nhất tình huống này. Cựu tiền đạo Argentina kể lại: “Tôi thường đá phạt góc trong các buổi tập và Maradona nhiều lần đưa bóng vào lưới bằng tay”.
Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi Maradona sẵn sàng lặp lại thủ đoạn này ở một trận World Cup. Có điều Maradona ăn mừng hơi khinh suất. Anh cứ giơ mãi cánh tay trái về phía khán giả, buộc Valdano phải ra hiệu, phòng trường hợp các trọng tài nhận ra dấu hiệu. Maradona lập tức hiểu ngay, thúc giục đồng đội sớm trở về vị trí để trận đấu có thể tái bắt đầu.
“Bàn tay của Chúa” vẫn còn gây nhiều tranh cãi đến tận ngày nay, cùng với đó là nỗi uất hận của người Anh. Mặc dù vậy, cổ động viên Tam Sư không có gì để phàn nàn ở bàn thua sau đó 4 phút. Khi trái bóng tiếp tục lăn, Maradona lại nhảy tango và tạo nên vũ điệu tuyệt diệu.
Bằng pha đảo chân kỹ thuật, Cậu bé Vàng đã thoát khỏi sự kềm tỏa của Peter Beardsley và Peter Reid, sau đó lao đi bên cánh phải. Rồi Maradona thay đổi nhịp độ trước khi bất thần tăng tốc để vượt qua Terry Butcher và cắt vào trung lộ. Tiếp tục qua mặt Terry Fenwick, anh đã ở bên trong vòng cấm, một lần nữa rê qua Shilton và ghi bàn.
Mãi về sau Fenwick, một trong số các nạn nhân, vẫn chưa thôi kinh ngạc. “Mặt sân như ruộng bắp cải mà Maradona cứ chạy như không, với quả bóng giống như được buộc vào chân. Không ai có thể lấy nó khỏi anh ấy”, Fenwick nói. Từ đằng xa, Lineker chứng kiến tất cả. Anh nhớ lại: “Tôi đứng ngây người với cái mồm há hốc. Đó là lần duy nhất trong đời tôi nghĩ mình nên vỗ tay tán thưởng đối thủ. Nhưng tôi đủ khôn ngoan để không làm thế. Các đồng hương sẽ giết tôi ngay”.
Tới vòng bán kết, Maradona đã tiếp tục trở thành người hùng của đội tuyển Argentina khi ghi cả 2 bàn thắng vào lưới đối thủ Bỉ, để đưa Argentina lọt vào chung kết với Tây Đức.
Ở trận chung kết, Argentina dẫn 1-0 khi Brown đá phản lưới nhà ở phút 23 và Jorge Valdano nâng tỷ số lên 2-0 ở đầu hiệp 2. Tây Đức đã chơi kiên cường và gỡ hòa 2-2 nhờ công Rummenigge và Rudi Voeller. Dù bị kèm chặt bởi cả Matthaus và Brehme, nhưng Maradona vẫn để lại dấu ấn với đường chuyền quyết định cho Jorge Burruchaga ấn định chiến thắng 3-2 ở phút 84 cho Argentina.
24 năm sau, ở trận tứ kết World Cup 2010 trên đất Nam Phi, “Bàn tay của Chúa” một lần nữa lặp lại. Chỉ khác đôi chút khi Suarez đã dùng tay cản bóng để ngăn đội nhà thủng lưới phút thứ 120 thay vì ghi bàn. Khi đó, tỷ số đang là 1-1. Trọng tài không ngần ngại rút ra tấm thẻ đỏ truất quyền thi đấu của Suarez.
Hậu vệ Hans Sarpei của Ghana hỏi trọng tài Olegario Benquerenca liệu ông có công nhận bàn thắng hay không. Benquerenca lắc đầu và chỉ vào chấm phạt đền. Ghana vẫn chưa hoàn toàn ở bán kết. Nhưng họ có quả phạt đền. Asamoah Gyan được giao trọng trách thực hiện quả phạt đền quan trọng đó. Anh đã ghi bàn từ những quả phạt đền dưới áp lực cao trước Serbia và Úc trong giải đấu. Nhưng đây là một cấp độ khác.
“Tất cả chúng tôi đều tin vào Asamoah và anh ấy tin vào chính mình. Stephen Appiah đưa cho anh ấy quả bóng và nói: Hãy ghi bàn. Hãy khiến cả châu Phi tự hào”, tiền vệ Ibrahim Ayew nhớ lại. Benquerenca cắt còi, Gyan bước lên phía trước, sút bóng dứt khoát... và thất thần nhìn nó dội xà ngang. Một giây sau, tiếng còi mãn cuộc vang lên. Gyan ôm đầu thất vọng. Kwadwo Asamoah khuỵu gối và Kevin-Prince Boateng nằm sấp. Ở Ghana cũng như ở Nam Phi, tiếng kèn vuvuzela im bặt khi việc xảy ra khiến mọi người không thể tin nổi.
Các máy quay lia đến đường biên, nơi mà tâm trạng của Suarez thay đổi chóng mặt, đang ăn mừng cuồng nhiệt. Vẫn còn một loạt sút luân lưu 11 m, Suarez không thể tham gia vào đó vì đã bị đuổi khỏi sân. Nhưng cứ như thể tiền đạo người Uruguay và mọi người khác đều biết cơ hội của Ghana đã biến mất.
Kịch bản cũ thất bại, một kịch bản mới được viết vội vàng. Gyan hồi phục để sút thành công trong loạt đá luân lưu diễn ra sau đó nhưng đồng đội của anh là John Mensah và Dominic Adiyiah thì không đủ bản lĩnh để làm điều đó. Họ bị thủ môn Fernando Muslera cản phá trước khi Sebastian Abreu ấn định chiến thắng cho Uruguay bằng một quả Panenka. Suarez không ngần ngại ăn mừng, còn vui hơn trong vai kẻ xấu khi Ghana và châu Phi chìm trong tuyệt vọng.
Suarez không bao giờ có thể hiểu được sự phẫn nộ của người Ghana. Anh ấy chỉ đơn thuần làm công việc của mình. Đó là những giây cuối cùng của một trận đấu World Cup, bản năng mách bảo anh phải làm như vậy. Trở lại Uruguay, Suarez được tôn vinh. Trong cuộc diễu hành của họ ở Montevideo, các CĐV đã hát: “Đó không phải là tay của Chúa, đó là bàn tay của Suarez”.
Đã 37 năm trôi qua, “Bàn tay của Chúa” của Maradona vẫn là một trong những khoảnh khắc kinh điển bậc nhất lịch sử bóng đá. Sự xuất hiện của những công nghệ như Goal-line hay VAR cũng đều bắt nguồn từ những pha bóng tranh cãi như của Maradona. Cậu bé vàng có thể là một thiên tài vĩ đại, nhưng cũng không sai nếu có người nói ông là kẻ lừa gạt của thế kỷ.
Tranh cãi luôn là một phần của cuộc sống. Trong khoảnh khắc chớp nhoáng cần đưa ra lựa chọn, lương tâm của cả Maradona hay Suarez sau này đều đã lựa chọn tổ quốc. Và cả hai cũng chưa từng hối hận về khoảnh khắc “Bàn tay của Chúa”.
Ngôi sao ĐT nữ Anh nhận cơn mưa lời khen, được ví như Messi, Maradona
Tiền đạo Lauren James nhận được rất nhiều lời khen từ giới chuyên gia và người hâm mộ sau màn trình diễn ở World Cup nữ 2023.
Mitoma khiến CĐV phát cuồng khi ‘hóa Maradona’ trong siêu phẩm solo ở trận Wolves vs Brighton
Tiền vệ người Nhật Bản Kaoru Mitoma có phong độ rất ấn tượng ở mùa giải Ngoại hạng Anh thứ hai khi vừa tỏa sáng ghi bàn cho Brighton.
Thần đồng sinh năm 2007 sắp về Chelsea tiệm cận kỷ lục của Maradona
Ở tuổi 16 lẻ 4 tháng, Kendry Paez đã trở thành cầu thủ trẻ thứ nhì lịch sử ra mắt một đội tuyển quốc gia Nam Mỹ, chỉ sau cố huyền thoại Diego Maradona.