Đại án Bacolod, từ góc nhìn của người trong cuộc
Năm 2005, dư luận trong nước đã chấn động với vụ án dàn xếp tỉ số nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử làng bóng đá Việt Nam. Đằng sau câu chuyện về Quốc Vượng, Văn Quyến và 6 cầu thủ khác của U23 Việt Nam khi đó có những góc khuất không phải ai cũng biết.
Chủ Đề: Thâm cung bóng Việt
Đại án Bacolod
Tại SEA Games 2005 tổ chức ở Philippines, U23 Việt Nam sở hữu một đội hình đầy tài năng mang theo hi vọng giành về tấm huy chương vàng đầu tiên tại Đại hội TDTT Đông Nam Á cho bóng đá nước nhà. Quốc Vượng, Văn Quyến là 2 cái tên nổi bật nhất mà HLV Alfred Riedl có trong tay khi đó.
Kết quả là SEA Games năm đó, U23 Việt Nam vào đến chung kết nhưng không thể đánh bại U23 Thái Lan. Mặc dù không thể hiện thực hóa giấc mơ vàng nhưng tấm huy chương bạc cũng đã là thành tích chấp nhận được đối với U23 Việt Nam. Điều đáng nói là đằng sau vinh quang đó lại ẩn chứa một sự thật gây bàng hoàng.
Trong thời gian ở Philippines, không phải cầu thủ nào cũng tập trung cống hiến cho đội bóng dựa trên tinh thần thể thao đơn thuần nhất. Khi đó, Quốc Vượng đã tận dụng mối quan hệ của mình để liên hệ với đầu mối trong nước là Trương Tấn Hải, cựu ngôi sao của Cảng Sài Gòn, tìm cách dàn xếp tỉ số để nhận về số tiền 500 triệu đồng.
Trận đấu “có mùi” là màn chạm trán giữa U23 Việt Nam và U23 Myanmar. Trước đó, Việt Nam vừa thắng Lào 8-2 trong khi Myanmar lại thua Lào 2-3. Lúc này, gần như ai cũng sẽ dồn kèo bắt Việt Nam thắng đậm Myanmar. Trương Tấn Hải đặt vấn đề với Quốc Vượng để chi phối trận đấu sao cho chỉ có kết quả thắng 1-0 cho Việt Nam.
Một mình Quốc Vượng đương nhiên không thể làm được điều đó. Cầu thủ sinh năm 1982 đã gạ gẫm thêm Văn Quyến cùng Hải Lâm, Văn Trương, Bật Hiếu, Quốc Anh, Phước Vĩnh... tham gia vào phi vụ này. Nếu thành công, mỗi cầu thủ sẽ nhận được 20-30 triệu đồng, riêng Quốc Vượng sẽ bỏ túi đến 400 triệu đồng.
Tài Em và Tấn Tài cũng là những cầu thủ bị nhóm Quốc Vượng lôi kéo nhưng kiên quyết từ chối. Tài Em với tư cách là đội trưởng sau đó đã cảnh báo ban huấn luyện về việc sẽ có một số cầu thủ chơi dưới sức trước Myanmar, đề nghị BHL giám sát chặt chẽ.
Những gì diễn ra trên sân đúng như những gì Tài Em đã nói. Nhóm bán độ giữ đúng tỉ số trận đấu là 1-0. Nhưng việc làm của Quốc Vượng, Văn Quyến và nhiều cầu thủ khác đã không thể qua mắt cơ quan điều tra. Họ được triệu tập làm việc sau khi về nước và mọi thứ dần bại lộ.
Quốc Vượng đóng vai trò chủ mưu phải nhận án tù 6 năm, về sau được giảm án còn 4 năm. Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, Quốc Anh nhận án 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo và 2-3 năm thử thách về tội tổ chức đánh bạc.
Chuyện gì đã xảy ra trong những ngày ở Bacolod? Cựu tiền đạo Lê Công Vinh là một trong số ít những người lên tiếng về ngày anh cùng những người đồng đội thi đấu trên đất Philippines. Công Vinh kể anh không được ai gạ làm độ cả. Nếu có người đề nghị, anh cũng sẽ tố cáo lên BHL giống như Tài Em đã làm.
"Trò cá cược, đỏ đen duy nhất ở đội U23 Việt Nam ngày đó mà tôi biết là việc mọi người thường chơi Play Station, chọn đội rồi để cầu thủ tự đá với nhau phân thắng thua. Còn chuyện dàn xếp tỷ số, phải đến khi về nước tôi mới biết tin", Công Vinh chia sẻ trong cuốn tự truyện Phút 89.
Lời thú tội muộn màng
Nhiều năm sau đại án Bacolod, Quốc Vượng mới lên tiến về bê bối năm xưa. Cựu cầu thủ của SLNA đã chia sẻ điều này trong một vài chương trình truyền hình. Ban đầu Vượng bảo mình chỉ bán độ thắng (bán độ nhưng vẫn giành chiến thắng), chứ không bán độ thua. Phải đến thời gian gần đây, Vượng mới nói anh cảm thấy vô cùng ân hận vì những việc làm bồng bột thời trẻ.
"Tôi không tiếc cho bản thân mình. Tôi tiếc cho Văn Quyến. Thật sự không thể nói từ ‘Giá như’ được", Quốc Vượng ngập ngừng nói. "Tội bản thân tôi gây ra, tôi đương nhiên phải gánh chịu. Nhưng tài năng như Quyến không được cống hiến cho nhiều người biết đến thì đó cũng có một phần lỗi của tôi. Thật sự Quyến cũng hiểu và thông cảm cho tôi.
Vì việc đó mà bạn không thể thi đấu (cho ĐT Việt Nam) được nữa thì tôi day dứt lắm chứ! Đến khi Quyến có cơ hội, có công việc ổn định và cuộc sống mới thì cá nhân tôi không nói ra, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nhắn tin động viên cậu ấy: Cố gắng lên!. Đấy là lời động viên không nói thành lời, ngắn gọn, nhưng đủ để hiểu nghĩ về nhau, thấy nhau ổn định là rất mừng rồi".
Nỗi niềm của Quốc Vượng cũng là sự tiếc nuối chung của rất nhiều cầu thủ, người hâm mộ bóng đá Việt Nam bởi khi đó Văn Quyến đang là tài năng nội trội nhất của bóng đá Việt Nam. Nhiều người nói nếu Văn Quyến không trót nhúng chàm, hẳn cầu thủ xứ Nghệ đã có một sự nghiệp lừng lẫy.
Nói về phút giây nông nổi năm xưa, Văn Quyến tâm sự: "Thật sự mình cũng không muốn nhắc lại việc đã xảy ra, nhưng đó là cái việc mà mình hối hận nhất trong cuộc đời. Và bây giờ, Quyến cũng như các cầu thủ đã trả giá quá đắt cho những hành vi của mình. Từ Philippines về, sau quãng thời gian đó xảy ra là báo chí viết này kia. Bác Thanh (Nguyễn Hồng Thanh, cựu chủ tịch SLNA) cũng hỏi ‘Con có làm gì sai không?’ Thật sự khi đấy mình đủ tự tin để nói là con có, thì nó sẽ khác, cũng khác đi một phần nào đấy.
Nhưng khi mình lại sợ và trốn tránh đi cái trách nhiệm ấy. Mình không dám nói bác Thanh. Mãi về sau này khi mình bị vướng vào vòng lao lý thì mình ngồi trong căn phòng, mà thật ra nó có 46 mét vuông, thì nhìn ra mình mới thấy là tại sao mình lại không nói. Nếu mình nói có, khả năng là mình lại khác. Thật sự mình đang là một cầu thủ đang được bay nhảy ngoài sân cỏ, để khi cuối cùng mình vào, như một con chim ở trong lồng bị nhốt. Sau 4 tháng đấy thì thật sự nó là thời gian quá buồn của mình".
Các lãnh đạo Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng không khỏi cảm thấy tiếc nuối vì những gì đã xảy ra với một trong những thế hệ tài năng của bóng đá Việt Nam. Chia sẻ với Thethao.vn, ông Nguyễn Lân Trung, nguyên Phó Chủ tịch VFF nhận định vụ việc năm xưa bị hình sự hóa quá mức.
“Nói về Bacolod thì tôi cũng có những cái tiếc. Nếu nói tiếc cho các em cầu thủ một, thì tôi tiếc cho bóng đá Việt Nam hai. Chúng ta có thể xử lý vụ việc này khác nếu nhìn vào bản chất của nó. Tôi có trao đổi rằng tại sao các con lại làm vậy?
Chúng nó nói rất vô tư: ‘Bố ơi, bọn con cá nhưng cá thắng đó chứ. Đội Myanmar lực lượng của họ có gì đâu’. Tôi bực, bảo chỉ dẫn có 1 quả thì quá nguy hiểm, nhưng chúng nó bảo: ‘Bọn con biết sức của họ mà. Nếu họ gỡ 1 quả thì chỉ 15 phút sau bọn con dồn lên sẽ được quả thứ 2’.
Tư duy của các em hồn nhiên như vậy đó. Có sai không? Rất sai. Đạo đức về thể thao có sai không? Rất sai. Nhưng bản chất của nó là thế. Tôi nhớ không nhầm số tiền lấy được cũng chỉ khoảng 20 triệu đồng. Không đáng bao nhiêu cả. Nhưng khi về chúng ta xử lý không tốt, tôi cho rằng vấn đề đã bị hình sự hóa một cách thái quá. Phương pháp giáo dục như thế không đúng.
Với tôi, vụ ở Bacolod là một sự đau xót. Chúng ta có thể làm khác đi. Vẫn là giáo dục các em, nhưng phải hiểu được bản chất, hiểu được sự đang lớn lên của các em, để giúp chúng đứng dậy ngay từ chỗ ngã, đóng góp cho sự nghiệp bóng đá nước nhà.”, ông Trung nhấn mạnh.
16 năm sau
Sau khi phải trả giá cho việc làm của mình, nhóm cầu thủ Quốc Vượng, Văn Quyến đều tìm cách trở lại với bóng đá. Văn Quyến khoác áo SLNA tại V.League 2009 khi mãn hạn cấm thi đấu và vẫn phần nào thể hiện được tài năng của mình. Sau này, Văn Quyến đầu quân cho Vissai Ninh Bình.
Đến năm 2014, 11 cầu thủ đội bóng cố đô dính phải bê bối bán độ ở AFC Cup. Nhiều người thở phào nhẹ nhõm khi biết Văn Quyến đứng ngoài vụ tiêu cực lần này. Tháng 1/2015, Vissai Ninh Bình tuyên bố giải thể và Văn Quyến cũng quyết định treo giày từ đây.
Sau này, Văn Quyến tiếp tục học lên huấn luyện viên. Năm 2018, Văn Quyến đã cùng U11 SLNA đã vô địch Quốc gia năm với tư cách trợ lý HLV. Sau đó, “Cậu bé vàng” tiếp tục lên ngôi tại U15 Quốc gia 2019 cũng với vai trò tương tự. Năm 2020, vị chiến lược gia sinh năm 1984 có mặt trong thành phần BHL của U17 SLNA vô địch quốc gia. Ngày 2/6 năm nay, Văn Quyến chính thức trở thành thành viên của ban huấn luyện đội 1 SLNA.
Hành trình của Quốc Vượng chông gai hơn rất rất nhiều. Anh cố gắng trở lại V.League nhưng đến năm 2012 phải giải nghệ đi đá bóng phong trào và làm thuê. Gần đây, Quốc Vượng đã trở lại sân cỏ. Anh làm trợ lý CLB Hải Phòng, rồi được mời về làm HLV trưởng đội Hòa Bình ở giải Hạng Nhì.
Quốc Anh là người có sự nghiệp bóng đá đáng chú ý nhất trong nhóm cầu thủ từng vướng vào đại án Bacolod năm xưa. Anh và Phước Vĩnh, Hải Lâm vẫn được Đà Nẵng tạo điều kiện tập luyện trong thời gian bị cấm thi đấu. Trở lại sân cỏ, Quốc Anh chơi xuất sắc trong màu áo SHB Đà Nẵng và nhận danh hiệu Quả bóng vàng 2012.
Hiện tại Hải Lâm đang làm HLV đội năng khiếu tỉnh Bắc Ninh, Văn Trương mở trung tâm bóng đá cộng đồng ở Huế, Bật Hiếu tham gia công tác đào tạo trẻ tại Trung tâm PVF. Quốc Anh đang làm HLV trưởng đội U17 Đà Nẵng, Phước Vĩnh cũng đã theo học bằng HLV để hiện thực hóa giấc mơ dẫn dắt một CLB V.League trong tương lai.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Giờ đây, những con người từng sa ngã 16 năm về trước đang đóng góp cho bóng đá nước nhà nhưng với vai trò khác.
Nguồn ảnh sử dụng trong bài viết:
Ảnh 1: Đức Cường/bongdaplus
Ảnh 2,5 & 6: Hoàng Đình Nam/Getty Images
Ảnh 3: Bạch Dương/Lao Động
Ảnh 4: Hữu Vinh/Tiền Phong
Ảnh 7: Đức Đồng/VnExpress
Ảnh 8: SLNA FC
Weigang, người khai sáng cho bóng đá Việt Nam giữa màn đêm u tối
Karl Heinz Weigang là một HLV gắn bó nhiều kỷ niệm với bóng đá Việt Nam, từ thành công rực rỡ cho tới nghi án tiêu cực vẫn còn rỉ máu cho tới tận ngày nay. Nhưng ngay cả khi vẫn còn những tranh cãi, không thể phủ nhận ông là người tiên phong cho phong cách huấn luyện chuyên nghiệp ở ĐT Việt Nam.
1 thập niên từ cuộc 'nổi dậy' của bầu Kiên, bóng đá Việt Nam đi về đâu?
'Chúng tôi nghỉ thì các anh đá bóng với ai?' Câu hỏi của bầu Kiên dành cho những quan chức bóng đá Việt Nam tại Hội nghị tổng kết V.League 2011 đã mở đầu cho cuộc ly khai cùng một giải đấu mới mang hơi hướng Super League. Mọi vấn đề của bóng đá Việt Nam đều được bầu Kiên phơi bày hôm đó, nhưng đúng 10 năm sau, các ông bầu lại 'nổi dậy' một lần nữa.
Ngọc Hải, Anh Khoa và cú xoạc bóng thay đổi cả V.League
Pha phạm lỗi rợn người của Quế Ngọc Hải vào chân Anh Khoa từng trở thành chủ đề gây tranh cãi trong nhiều tháng. Bỏ qua vấn nạn bạo lực sân cỏ, cách những người làm bóng đá Việt Nam giải quyết vụ việc đó đã khiến V.League phải thay đổi không ít điều lệ. Anh Khoa có thể không còn thi đấu, nhưng anh đã giúp rất nhiều đồng nghiệp giữ được đôi chân.