Đối thủ của Thùy Linh phải tự túc kinh phí dự Olympic Paris 2024
Ở vòng bảng nội dung đơn nữ môn cầu lông của Olympic Paris, đại diện Việt Nam Nguyễn Thùy Linh sẽ cạnh tranh tấm vé vào vòng loại trực tiếp với Zhang Beiwen, người từ lâu nổi tiếng là tay vợt luôn tự túc tham dự các giải đấu quốc tế.
Ở tuổi 34, Zhang Beiwen đã trải qua một hành trình dài để đến Olympic Paris. Cô sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc, từng thi đấu cho đội tuyển cầu lông Singapore, nhưng bây giờ lại là VĐV của đội tuyển Mỹ. Câu chuyện Zhang chọn cầu lông để phát triển bản thân cũng thú vị không kém.
Lúc Zhang còn nhỏ, cô được gia đình khuyến khích theo nghiệp thể thao. Ban đầu, VĐV này thử sức với môn Bơi. Nhưng cô nhanh chóng từ bỏ môn thể thao này, và chọn cầu lông. Từ thời khắc Zhang tham dự giải đấu đầu tiên đến bây giờ đã là 20 năm, một khoảng thời gian không hề ngắn.
"Người dạy tôi tập bơi là bố, nhưng tôi không thích nước chút nào", Zhang hồi tưởng. Tay vợt nằm cùng bảng với Thùy Linh tại Olympic Paris 2024 nói thêm: "Tôi phải học bơi bằng cách bị mọi người ném xuống nước, và tự tìm cách nổi lên. Tháng đầu học bơi, ngày nào tôi cũng khóc".
Đến bây giờ, Zhang vẫn cảm thấy sợ xuống nước. Nhưng con đường lập nghiệp cùng môn cầu lông của VĐV này cũng không hề dễ dàng. Cô gái người An Sơn, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc) vô tình nằm trong danh sách tuyển mộ tài năng đặc biệt của Chính phủ Singapore. Ở tuổi 14, cô đồng ý chuyển đến Đảo quốc Sư tử sinh sống, thi đấu cho tuyển cầu lông nước này.
Phần thưởng cho quyết định di cư của Zhang là cô được nhận quốc tịch Singapore vào năm 2007. Hai năm sau, cô giành HCĐ đồng đội nữ tại SEA Games 2009 tổ chức ở Lào. Nhưng mâu thuẫn từ đó diễn ra. Zhang gặp mâu thuẫn với Luan Ching, HLV phụ trách mình. Cô quyết định nghỉ thi đấu 1 năm, và giải nghệ vào năm 2010. VĐV này cũng từ bỏ đội tuyển Singapore.
"Tôi đã nghỉ thi đấu ở tuổi 20, vào năm 2010", Zhang nói. VĐV này tưởng như đã tìm một công việc mới. Nhưng vì một lý do nào đó, Zhang lại tiếp tục gắn bó với cầu lông. Cái duyên đưa Zhang trở lại cầu lông cũng thật tình cờ. Đó là năm 2013, khi cô đến thăm một người bạn ở Las Vegas, rồi tìm lại cảm hứng tập luyện tại một câu lạc bộ cầu lông ở đây.
2013 cũng đánh dấu Zhang trở lại thi đấu. Chứng kiến phong độ của VĐV này, một HLV gợi ý cô tiếp tục thi đấu quốc tế. Zhang bất bại trong 1 năm, liên tục vô địch và quyết định bước tiếp hành trình. Cô được Singapore mời trở lại thi đấu cho Đảo quốc Sư tử, nhưng từ chối.
Olympic Tokyo là lần đầu tiên Zhang tham dự một kỳ Thế vận hội. Điều đó xảy ra không lâu sau khi cô chính thức nhận quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên, giải đấu tại Nhật Bản lại chứng kiến bi kịch tiếp theo ập đến Zhang, khiến cô nghĩ đến quyết định nghỉ thi đấu lần thứ hai.
Tại Olympic Tokyo, Zhang vượt qua vòng bảng với vị trí dẫn đầu. Đối thủ của cô tại vòng 1/8 là He Bing Jiao, tay vợt Trung Quốc. Zhang thắng 21-14 trong set đầu tiên. Đến set 2, khi tỷ số đang là 7-9, Zhang gục ngã trên sân thi đấu. Kết quả kiểm tra sau đó cho thấy cô bị đứt gót chân Achilles.
Tay vợt Mỹ hồi tưởng: "Tôi muốn thi đấu đến hết trận, nhưng không thể đứng nổi. Ban tổ chức đến và đưa tôi rời sân trên xe lăn. Sự nghiệp của tôi lẽ ra đã kết thúc ở đó. Nhưng cuối cùng, tôi cảm thấy những mục tiêu mình đặt ra vẫn còn dở dang. Tôi không thể khép lại hành trình như thế được".
2 năm trôi qua kể từ chấn thương kinh hoàng đó, Zhang có danh hiệu quốc tế đầu tiên. Cô dần dần trở lại nhóm các tay vợt hàng đầu, và có thời điểm thuộc top 10 thế giới. Tay vợt Mỹ gốc Trung Quốc thực sự muốn đánh bại những VĐV từ cố hương. Khác với cô, họ có thể toàn tâm toàn ý vào thi đấu.
Zhang từ lâu được biết đến là VĐV cầu lông độc lập nhất thế giới, xét theo nhiều nghĩa khác nhau. Cô thường xuyên thi đấu quốc tế một mình, không có HLV đi cùng. Điều đó cũng diễn ra ở Olympic Tokyo, và cả Paris sắp tới. Nguyên nhân khiến Zhang "cô đơn" cũng thật bất ngờ.
Trong một lần chia sẻ hồi cuối năm 2016, Zhang nói cô cảm thấy thoải mái hơn vì không có HLV toàn thời gian bên cạnh mình. Người đưa ra giáo án tập cho cô là Ding Chao, một người Singapore gốc Hoa. Họ gặp nhau vài lần trong một năm mỗi khi Zhang đến Singapore để cập nhật tình hình. Tuy nhiên, Ding không thể du đấu quốc tế cùng Zhang.
Không giống VĐV cầu lông của các đội tuyển Nhật Bản hay Trung Quốc, Zhang phải tự túc 100% kinh phí du đấu. Trong trường hợp muốn có HLV đi cùng, cô cũng phải bao tiêu toàn bộ kinh phí cho HLV như vé máy bay, phòng khách sạn. Tài chính khó khăn khiến Zhang phải dựa vào bản thân mình nhiều hơn, đồng thời tìm kiếm nhà tài trợ để tiếp tục thi đấu.
Đến Olympic Paris, thứ duy nhất Zhang nhận được từ Mỹ là tiền vé máy bay khứ hồi cho 1 người. Mỹ chưa ưu tiên phát triển cầu lông, và đó là thứ duy nhất quốc gia này hỗ trợ tay vợt số 1 của họ. Zhang quyết định tiếp tục đi một mình, bởi thuê HLV đồng hành cũng có nghĩa là tốn thêm tiền.
Zhang thường xuyên du đấu một mình, nhưng hành trình của cô không hề cô đơn. Để tiết kiệm chi phí, cô thường ở chung phòng với các đồng nghiệp có hoàn cảnh tương tự. Một trong số đó là Nguyễn Thùy Linh, tay vợt nữ số một Việt Nam. Họ đã ở cùng nhau qua nhiều giải đấu và có mối quan hệ thân thiết.
Trong sinh nhật tuổi 26 của Thùy Linh, tay vợt này đã chia sẻ đoạn video Zhang hát mừng sinh nhật cô. Họ dành thời gian cùng nhau tập luyện, cũng như hỗ trợ cuộc sống nơi xứ người. Điều tình cờ đã lại xảy ra, khi cả hai gặp lại nhau ở kỳ Olympic tới, nơi họ cạnh tranh tấm vé vào vòng tiếp theo.
Sự ủng hộ từ gia đình là một lý do khác khiến Zhang không cảm thấy cô đơn. Tuy nhiên, họ không đến Pháp cùng tay vợt này. Theo chia sẻ từ Zhang, bố mẹ cô thường quan tâm quá mức đến cô con gái nhỏ, khiến Zhang lo lắng ngược. Việc ở xa nhau một chút, và thấy Zhang cười mỗi ngày sẽ khiến các phụ huynh cảm thấy an tâm hơn. Đó cũng là điều Zhang muốn.
Olympic Paris 2024 có thể là giải đấu lớn cuối cùng trong sự nghiệp của Zhang Beiwen. Cô cũng lên kế hoạch giải nghệ vào cuối năm nay, khi đã bước sang tuổi 34. Tay vợt này muốn tiếp tục gắn bó với cầu lông trong tương lai. Bởi, sau 2 lần từ bỏ bất thành, cô thấy mình còn duyên nợ với cầu lông.
Từ góc nhìn của Zhang, các bậc phụ huynh không hiểu giới cầu lông vận hành như thế nào. Họ luôn nghĩ mình chỉ cần trả tiền thuê sân, thuê HLV và tiền trang bị để con mình được học. Nhưng học cầu lông cho vui và học để thi đấu hoàn toàn khác nhau, và không phải ai cũng kiếm được tiền từ cầu lông.
"Mọi lứa tuổi đều có thể chơi cầu lông, và môn thể thao này còn nhiều tiềm năng phát triển. Đó là kế hoạch của tôi trong tương lai. Nhưng trước đó, sau khi nghỉ thi đấu, tôi muốn nghỉ ngơi hoàn toàn trong 1 năm. Tôi đã quá mệt mỏi vì phải liên tục tập luyện, thi đấu trong 20 năm qua", Zhang nói.
Olympic Paris 2024 là sân chơi lớn cuối cùng của Zhang. Cô muốn hoàn thành những mục tiêu dang dở từ kỳ Thế vận hội trước đó. Tay vợt này muốn nhắm đến một tấm huy chương. Giấc mơ này đã gần như trở thành hiện thực với Zhang ở kỳ Olympic trước, và cô tin lần này mình sẽ thành công.
Thùy Linh thua thần đồng Nhật Bản ở vòng 1 Singapore Mở rộng
Tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh đã không thể vượt qua đại diện Nhật Bản Tomoka Miyazaki, qua đó chính thức rời giải cầu lông Singapore Mở rộng 2024 ngay sau trận đấu đầu tiên.
Thùy Linh gặp Á quân châu Âu tại vòng 1 Indonesia Mở rộng
Tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh sẽ tham dự giải cầu lông Indonesia Mở rộng trong tuần này, và cô tiếp tục chạm trán một đối thủ mạnh ngay trong ngày thi đấu đầu tiên của giải.
Thùy Linh thua tay vợt Scotland, sớm rời Indonesia Mở rộng
Hành trình của tay vợt Nguyễn Thùy Linh tại giải cầu lông Indonesia Mở rộng 2024 đã sớm dừng lại ở vòng đầu tiên, khi cô để thua đại diện Scotland là Kirsty Gilmour.
Thùy Linh rút lui, không tham dự giải cầu lông Australia Mở rộng
Thay vì tham dự giải cầu lông Australia Mở rộng bằng việc đăng ký trước đó, tay vợt Nguyễn Thùy Linh đã quyết định rút lui 2 tuần trước khi giải chính thức diễn ra.
Thùy Linh chung bảng với 'bạn thân' Zhang Beiwen tại Olympic Paris 2024
Theo kết quả bốc thăm môn cầu lông tại Olympic Paris, tay vợt nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh được xếp vào bảng K cùng 2 đại diện Tiffany Ho (Australia) và Zhang Beiwen (Mỹ).