ĐT Đức thua ngược Nhật Bản: ‘Xe tăng’ và ‘chiến binh’ chỉ còn là hoài niệm quá khứ
Thất bại của Đức trước Nhật Bản, đến từ “thái độ” nhiều hơn là vấn đề đẳng cấp hay chuyên môn, khi mà nhà cựu vô địch thế giới vốn đã không còn giữ được những phẩm chất mang tín bản sắc và thương hiệu của chính mình.
“Xấu hổ và xứng đáng! Không có chút nhiệt huyết hay nỗ lực nào! Cạn lời!”, nhà báo uy tín hàng đầu nước Đức Florian Plettenberg viết trên Twitter cá nhân sau trận thua của đội nhà trước Nhật Bản. Kèm theo dòng trọng thái này là bức ảnh các tuyển thủ che miệng trước trận.
Hình ảnh gây xôn xao ấy là hành động thể hiện thông điệp "không được tự do lên tiếng", nhằm phản đối sau khi FIFA đưa ra lệnh cấm đeo tấm băng đội trưởng “OneLove” ủng hộ LGBT trong các trận đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Trên khía cạnh “xã hội”, “nhân văn” hay “vì cộng động”, đó có lẽ là một nghĩa cử đáng ca ngợi.
Tuy nhiên, khi Đức để thua ngược trước Nhật Bản, hình ảnh che miệng đó lại trở thành trò cười cho cả thế giới. Chỉ cần là một người xem trung lập rất bình thường cũng có thể nghĩ rằng, “à, hóa ra mấy ông này không tập trung đá bóng, mà thích làm màu hơn”. Chua chát hơn là những người hâm mộ Die Mannschaft, khi họ muốn chính đội nhà “im miệng đi mà thi đấu!”.
“Không có chuyện chúng tôi bị phân tâm, và tôi cũng sẽ không bào chữa gì cho thất bại hôm nay. Với tôi, những lời nhận xét đó thật rẻ tiền”, HLV Hansi Flick đáp trả khi được hỏi liệu có phải những vấn đề ngoài lề đã khiến Đức phân tâm rồi dẫn đến thất bại. Nhưng đó rõ ràng là một sự thật hiển nhiên.
Đúng là Đức đã chơi không tệ trước Nhật Bản, với chỉ số bàn thắng kỳ vọng lên tới 3,3. Tức với số cơ hội có được, đáng lẽ đoàn quân của HLV Flick phải ghi không dưới 3 bàn. Nhưng trong bóng đá, chẳng có gì “nếu” nào hết. Tấn công nhiều mà không ghi được bàn thắng sẽ phải trả giá, đó là một điều hiển nhiên đã được chứng minh suốt hàng trăm năm.
Việc không cụ thể hóa được cơ hội, hay bài toán dứt điểm thiếu hiệu quả vì thiếu tiền đạo vốn là vấn đề của Đức từ sau World Cup 2014. Nhưng tạm bỏ qua những vấn đề về mặt chuyên môn, bao gồm chiến thuật, quyết định sử dụng nhân sự rồi thay người của HLV Flick thì quả thực, Die Mannschaft xứng đáng thua Nhật Bản.
Thất bại của Đức, chính xác là đến từ “thái độ”. Họ không tập trung 100% vào việc chuẩn bị cho trận đấu, và tự cho mình cái quyền “thư giãn” quá sớm cũng như thiếu tôn trọng đối thủ khi khoảng cách mới chỉ là 1 bàn, còn thời gian thì vẫn còn đến hơn 30 phút.
Antonio Rudiger là một trong những cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau trận bởi tình huống chạy như trêu ngươi Takuma Asano. Thực tế, đây không phải lần đầu trung vệ 29 tuổi làm điều này, nó giống một thói quen hơn là hành động chế giễu đối thủ, nhưng lại đến không đúng thời điểm và cuối cùng, Đức lại thua ngược. Trớ trêu thay, anh lại là cái tên duy nhất chơi tốt trong 4 hậu vệ được HLV Flick sử dụng.
Chưa bàn đến đẳng cấp hay trình độ, những cái tên như Niklas Sule, Nico Schlotterbeck, David Raum rồi cả Kai Havertz không xứng đáng khoác lên mình chiếc áo đại diện quốc gia thi đấu tại World Cup. Họ chểnh mảng trong thi đấu, thiếu quyết liệt với những pha tranh chấp và dường như chẳng có chút tự tôn dân tộc nào.
Nhìn lại quá khứ, Đức đã từng thành công và vô địch thế giới với rất nhiều cầu thủ ở mức “thường thường bậc trung” như Arne Friedrich của Hertha Berlin, hay một Miroslav Klose luôn âm thầm hy sinh. Họ cũng có Philipp Lahm khiêm nhường, Toni Kroos bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh, rồi cả Bastian Schweinsteiger lao vào đối thủ dù chiếc áo trắng đã nhuốm màu đỏ của máu.
Đức từng khiến thế giới phải khiếp sợ bởi những “chiến binh” như thế, khiến Gary Lineker phải thốt lên rằng, "Bóng đá là một trò chơi đơn giản, 22 gã đàn ông hùng hục đuổi theo quả bóng suốt 90 phút, và cuối cùng, người Đức luôn thắng". Họ cũng từng trở thành “Xe tăng” bất khả chiến bại, xù xì, chắc chắn mà cũng đẩy ẩn họa với đối thủ, như trong tiềm thức của những người xem đá bóng lâu năm tại Việt Nam.
Dù vậy, tất cả những hình ảnh về “Xe tăng” hay “chiến binh” của Đức giờ chỉ còn là hoài niệm. Những người hùng còn sót lại như Manuel Neuer hay Thomas Muller không đủ để vớt vát chút huy hoàng xưa kia, chẳng thể gánh vác một tập thể thiếu ý chí chiến đấu, coi trọng chuyện cộng đồng, xã hội hơn là chú tâm vào đá bóng.
“Tôi ôm đầu suy nghĩ về việc mình đã làm người hâm mộ, gia đình và cả đất nước thất vọng như thế nào” là những gì Joshua Kimmich chia sẻ sau khi Đức để thua Hàn Quốc 0-2 rồi bị loại khỏi World Cup 2018 ngay từ vòng bảng, dù dự giải với tư cách đương kim vô địch. Sau 4 năm, mọi chuyện có lẽ sẽ tệ hơn, khi Die Mannschaft đứng trước nguy cơ bị loại ngay sau lượt đấu thứ 2 gặp Tây Ban Nha chứ chẳng phải chờ đến lượt cuối.
Kết quả bóng đá Đức vs Nhật Bản: 'Phép màu' từ ghế dự bị, rạng danh châu Á
Kết quả bóng đá Đức vs Nhật Bản - Những sự thay đổi người của HLV Hajime Moriyasu đã phát huy hiệu quả một cách tối đa khi Ritsu Doan rồi Takuma Asano ghi bàn giúp Nhật Bản ngược dòng giành chiến thắng đầy cảm xúc 2-1 trước Đức.
HLV Flick chỉ đích danh ‘tội đồ’ khiến Đức thua ngược Nhật Bản
Chia sẻ sau thất bại của Đức trước Nhật Bản, HLV Hansi Flick không ngại chỉ trích học trò và đặc biệt gọi tên “tội đồ” Niklas Sule.
Đức để thua Tây Ban Nha 0-6 trong lần gần nhất gặp nhau ở một trận đấu chính thức
Sau khi thua ngược Nhật Bản, Đức rõ ràng có lý do để “sợ hãi” vì phải chạm trán Tây Ban Nha ở lượt trận thứ 2 vòng bảng World Cup 2022.
Cổ động viên chỉ trích ĐT Đức chỉ lo ‘làm màu’, không tập trung đá bóng
Sau khi nhận thất bại trước Nhật Bản ở trận ra quân World Cup 2022, ĐT Đức đang phải nhận vô vàn chỉ trích. Trong đó, nhiều CĐV cho rằng thầy trò HLV Hansi Flick quá tập trung vào những vấn đề ngoài lề, và hành động che miệng chụp ảnh ở đầu trận là không cần thiết.