Các CLB Australia 'học theo bầu Kiên', ly khai lập Super League như thế nào?
Sau nhiều năm đàm phán, các giải VĐQG Australia, bao gồm cả nam và nữ, sẽ tách biệt khỏi sự kiểm soát của LĐBĐ nước này.
Cụ thể, 12 CLB thuộc giải VĐQG Australia dành cho nam (A-League) sẽ không còn chịu sự điều khiển và chi phối của LĐBĐ Australia (FFA) và nắm hoàn toàn quyền kiểm soát về mặt thương mại.
Theo đó, với động thái "tách nhóm này", ba giải đấu A-League, W-League (VĐQG nữ) và Y-League (VĐQG lứa tuổi U21) sẽ được điều hành bởi một hội đồng mới có tên Australian Professional Leagues (APL) - tạm dịch là Hội đồng các giải bóng đá chuyên nghiệp Australia.
Đây là một động thái được dự đoán sẽ đưa nền bóng đá chuyên nghiệp Úc lên một tầm cao mới khi các CLB sẽ có quyền tự lựa chọn lối đi riêng.
APL sẽ được trao "quyền kiểm soát hoạt động, thương mại và tiếp thị" của các giải đấu và sẽ chịu trách nhiệm đem lại lợi nhuận. Có thể hiểu đơn giản rằng các CLB sẽ có nhiều sự tự chủ hơn trong việc đảm bảo khả năng tài chính lẫn phát triển thương hiệu.
Mô hình này không phải là hiếm trên thế giới khi nhiều giải đấu hàng đầu như Ngoại hạng Anh, La Liga, Bundesliga hay kể cả V.League với VPF đều tách biệt hẳn với LĐBĐ quốc gia. FFA vẫn sẽ có vai trò quan trọng như một cơ quan quản lý giải đấu, có nhiệm vụ giám sát các vấn đề kỷ luật và liêm chính, đăng ký câu lạc bộ, cầu thủ và quan chức, hệ thống chuyển nhượng và bốc thăm...
FFA cũng sẽ có tiếng nói quyết định về việc mở rộng, thu hẹp giải đấu hoặc thêm vào hệ thống lên/xuống hạng vốn rất cần thiết từ lâu. Cùng với đó là kiểm soát quyền tham dự các giải đấu cúp như cúp C1 châu Á, FFA Cup và các giải đấu trong và ngoài nước khác.
Các CLB tin rằng việc tách khỏi cơ quan quản lý quốc gia sẽ giúp ích cho khả năng tồn tại lâu dài của các giải VĐQG. Những ông chủ của các đội bóng giờ đây sẽ có nhiều tiếng nói hơn về cách giải đấu vận hành và có thể tự tìm kiếm nhà đầu tư bên ngoài để đảm bảo kinh tế cho CLB, thay vì chỉ trông chờ vào mạng lưới an toàn của FFA.
Hiện nay, A-League đang không có một nhà tài trợ nào sau khi kết thúc mối quan hệ lâu dài với Hyundai. Điều này khiến cho nhiều CLB gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động trong thời đại dịch vì không nhận được sự hỗ trợ nào đến từ liên đoàn.
Paul Lederer, chủ tịch của APL và hiện đang là chủ sở hữu của CLB Western Sydney Wanderers, cho biết "sự đổi mới" sẽ là trọng tâm thúc đẩy APL tập trung vào tăng trưởng thương mại và cải thiện mô hình kinh doanh của bóng đá Úc để đáp ứng thị hiếu người xem đang thay đổi nhanh chóng.
Những sự thay đổi đáng chú ý nhất mà Lederer đề cập đến đó là việc tăng số đội tham dự A-League lên 14 hoặc 16 CLB. Chỉ cần các CLB này tìm được chủ sở hữu thích hợp và nhận được sự chấp thuận của FFA. Bên cạnh đó, một cuộc cải tổ hệ thống chuyển nhượng cầu thủ có thể sẽ được diễn ra trong năm tới.
Tuy nhiên, cuộc ly khai này có thể sẽ không sớm diễn ra nếu không có sự can thiệp của FIFA trong cuộc đấu tranh kiểm soát hướng đi mới cho A-League đã diễn ra trong nhiều năm.
Vào năm 2018, FIFA đe dọa có thể đình chỉ tư cách thành viên của Australia nếu như không có những sự thay đổi về cách quản lý hệ thống giải VĐQG nước này. Trong số đó có cả việc mở rộng và xem xét thành lập một giải A-League độc lập hoàn toàn mới, tách biệt với hệ thống giải đấu của FFA.
Khuyến nghị này làm gợi nhớ lại ý tưởng tổ chức một giải đấu riêng biệt có tên "Super Liga" vào những năm đầu thập niên 2010s của bầu Kiên - chủ tịch của CLB Hà Nội ACB ngày ấy. Đó cũng là một ý tưởng về việc tạo ra một giải đấu độc lập, không chịu sự chi phối của VFF, được điều hành bởi những nhân vật cấp cao ở các CLB tham dự.
Song, những khó khăn trong việc vận hành giải đấu, thương mại, tiếp thị cùng tính khả thi về mặt pháp lý khiến nó vẫn mãi chỉ dừng lại ở mức độ ý tưởng dựa trên sự bất mãn của các ông chủ CLB với VFF.
Còn với bóng đá Australia, FFA và APL đều đã có những thỏa thuận cho việc ly khai các giải VĐQG khỏi sự dẫn dắt của liên đoàn. Nhưng kể cả khi tách ra, chủ tịch Paul Lederer cho biết cả hai bên vẫn cần phải làm việc cùng nhau vì lợi ích của nền bóng đá nước Úc.
Trung Quốc không sút trúng đích quả nào ở trận gặp Australia
Trung Quốc đã cho thấy sự lép vé hoàn toàn trong thất bại 0-3 trước Australia ở lượt trận mở màn vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Đại án hối lộ của bóng đá Saudi Arabia: Bán vé đăng cai World Cup cho Đức để thu về vũ khí
Bóng đá Saudi Arabia và thậm chí là cả FIFA đã từng vướng vào bê bối đình đám liên quan đến chiến dịch giành quyền đăng cai World Cup 2006 của Đức.
Saudi Arabia từng treo còi vĩnh viễn trọng tài World Cup vì bán độ
Fahad Al Mirdasi, trọng tài người Saudi Arabia sẽ không thể cầm còi thêm 1 lần nào nữa sau vụ án rúng động nền bóng đá trong nước.