Việt Nam - Saudi Arabia: Cỏ mọc trên cát
ĐT Việt Nam cũng giống như mặt cỏ xanh mướt trên sân Mrsool Park nằm giữa hoang mạc đầy nắng và gió của thủ đô Riyadh, đẹp đẽ nhờ những sự chăm sóc đặc biệt.
Thầy trò HLV Park Hang Seo đã không thể tạo bất ngờ trước Saudi Arabia. Bàn mở tỷ số xuất thần của Quang Hải cuối cùng chỉ là nét chấm phá nhỏ nhoi trong một trận đấu mà chúng ta thua sút đối thủ về mặt đẳng cấp, để rồi hàng phòng ngự tan vỡ khi đối phương đã tạo được nhiều sức ép.
Duy Mạnh và các đồng đội mắc sai lầm là điều tất yếu, khi đối phương nằm ở tầm cao hơn hẳn. Dù đó có là Iran, UAE với những màn phối hợp chuẩn xác tới từng centimetre, hay là Saudi Arabia và Hàn Quốc với cách tạo sức ép liên tục để khiến đối phương mắc sai lầm thì mẫu số chung cho ĐT Việt Nam luôn chỉ có một. Chúng ta choáng ngợp trước tốc độ của đối phương, và tinh thần chỉ có thể giúp các cầu thủ trở nên lỳ lợm hơn, chứ không thể lật ngược được thế trận của cuộc đối đầu.
Thất bại này là điều đã được dự đoán từ trước, và suy cho cùng, màn trình diễn của thầy trò HLV Park Hang Seo đáng khen hơn là đáng trách, bởi các cầu thủ đã cống hiến hơn 100% sức lực của mình ở trên sân.
Cỏ mọc trên cát
Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia nằm giữa hoang mạc An Nafud đầy cát và nắng. Phía nam thành phố tiếp giáp một vùng đất khắc nghiệt tương tự khi được gọi với tên Rub' al Khali, trong tiếng Ả Rập có nghĩa là Miền hư không. Từ tháng 3 tới tháng 11, nhiệt độ ban ngày ở đây lên tới gần 50 độ C, còn ban đêm cũng chỉ giảm xuống 30 là tối thiểu.
Nếu như Dubai, Doha hay nhiều thành phố khác của khu vực Trung Đông nằm ở gần biển thì tại Riyadh, độ ẩm gần như lúc nào cũng ở mức 0%. Dù là đô thị sầm uất thứ 2 của thế giới Ả Rập (sau Cairo của Ai Cập), cây cối cũng không thể mọc một cách tự nhiên tại đây. Thức ăn, rau xanh chỉ có thể được cung cấp từ một số ít ốc đảo xung quanh.
Ấy vậy mà ở sân Mrsool Park hay ở Sân vận động quốc gia nhà vua Saud, người ta vẫn trồng được những mặt cỏ tự nhiên xanh mướt để phục vụ những trận bóng đá. Xung quanh Riyadh, có đến hàng chục sân cỏ khác được các lò đào tạo trẻ sử dụng để tạo ra nguồn cầu thủ chất lượng cho đất nước.
Nhưng những ngọn cỏ ấy không có tính kế thừa. Nó chỉ có thể mọc ở những vị trí được chăm sóc, chứ không thể phát triển tự nhiên. Hàng năm, họ phải thay mới mặt cỏ thường xuyên để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Ở Riyadh cũng có bão cát, và mỗi lần như thế là một lần các nhân viên chăm sóc lo sợ cỏ có thể chết bất cứ lúc nào.
ĐT Việt Nam ‘mọc’ từ đâu?
Đoàn quân của HLV Park Hang Seo cũng giống như những ngọn cỏ của sân Mrsool Park. Nó xanh mướt và đẹp mê người bên những hoang mạc, và tồn tại trên nền tảng của một sự chăm sóc đặc biệt.
Đoàn quân ấy của ông Park không (hoặc chưa) có tính kế thừa. Suốt 5 năm nắm tuyển quốc gia, nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng đồng thời kiêm nhiệm tới 3 lứa cầu thủ của U22 Việt Nam. Những những gì mà ông đang có trong tay không có gì khác biệt so với thời điểm năm 2018.
Trong danh sách ĐT Việt Nam đối đầu với Saudi Arabia ngày hôm qua, ngoài nhóm trụ cột đã từng vô địch AFF Cup 2018 thì chỉ có thêm sự bổ sung của Nguyễn Thanh Bình là thuộc lứa cầu thủ sau này. Miễn cưỡng thì có thể kể thêm Tuấn Hải. Nhóm còn lại thì cổ động viên Việt Nam đã quá quen thuộc trong những lần tập trung trước đây.
Lứa cầu thủ của năm 2018 có thể coi là thế hệ vàng và khó có thể kỳ vọng vào một sự tiếp nối những thành công mà đội đã tạo ra. Nhưng việc chưa có cầu thủ nào sinh sau năm 2000 có thể khiến V.League nổi sóng như Quang Hải, Công Phượng hay Văn Hậu năm xưa đang thực sự khiến người hâm mộ lo lắng.
Ngoài ra, nhóm cầu thủ xuất sắc nhất bóng đá Việt Nam cũng nằm gói gọn trong một số lò đào tạo nổi bật. Đó là những nơi có cơ sở vật chất hàng đầu châu lục, sở hữu những giáo án tốt nhất bóng đá khu vực. Nhưng ở những lò đào tạo khác, các cầu thủ hiện nay vẫn chẳng khác nhiều so với xưa. Cơ sở vật chất tồi tàn, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo và cơ hội thi đấu hạn chế khiến những tài năng trẻ không thể bứt lên. Chưa kể tới tính bao cấp của nền bóng đá cũng là một trở ngại không nhỏ khi các cầu thủ muốn ra nước ngoài thi đấu.
Nói cách khác, nòng cốt của ĐT Việt Nam hiện nay là một nhóm cầu thủ thuộc cùng thế hệ, trưởng thành từ cùng một nhóm những lò đào tạo cá biệt. Họ như những ngọn cỏ ở Riyadh, đẹp đẽ nhưng cô đơn giữa một biển sa mạc hoang vu dài vô cùng tận.
Muốn tạo rừng cây, phải kiên trì
Ở Bắc Kinh trước đây luôn có bão cát. Năm 1962, chính quyền Trung Quốc cho trồng cả một khu rừng ở phía Bắc thủ đô, ngoài rìa sa mạc. Suốt 2 năm đầu, chỉ khoảng 8% cây nuôi sống sót và dự án tưởng như đã đổ bể. Nhưng giờ đã là 60 năm sau và họ đang có 93.000 hecta rừng. Cùng với chính sách dịch chuyển nhà máy ra khỏi thành phố, thủ đô của người Hoa đang càng ngày càng được hưởng bầu không khí trong lành hơn.
Chuyện trồng cây đã vậy, chuyện trồng người còn khó khăn hơn. Những năm 50 của thế kỷ trước, đất nước Saudi Arabia mới xuất khẩu được những thùng dầu đầu tiên. Họ phất lên nhanh chóng kể từ đó. Nhưng cũng phải tới 40 năm sau kể từ những dòng vốn cỡ bự rót vào bóng đá, tức là đã trải qua ít nhất 8 lứa cầu thủ, ĐTQG nước này mới bắt đầu xuất hiện ở World Cup. Và cũng phải nhìn nhận rằng, thời điểm này đã là 30 năm sau lần đầu tiên ấy, Saudi Arabia cũng chưa thoát khỏi kiếp lót đường ở giải thế giới.
Những câu chuyện tương tự của Saudi Arabia có thể tìm kiếm ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Hai quốc gia Đông Á còn vất vả hơn, khi phải đi kèm với chính sách dinh dưỡng trẻ em để giúp cải thiện vóc dáng cầu thủ. Họ có cách phát triển khác so với đại diện của thế giới Ả Rập, khi tập trung vào thể thao học đường để phát triển tài năng. Nhưng cả hai cũng phải chờ ít nhất 40 năm cho lần xuất hiện đầu tiên ở kỳ đại hội bóng đá toàn thế giới.
Xã hội ngày càng phát triển hơn, con người ngày càng đi nhanh hơn và xa hơn những giới hạn của mình. Khoảng cách trình độ của những nền bóng đá ngày càng được thu hẹp. Bóng đá Việt Nam có thể không cần chờ tới 40 năm để dự World Cup, nhưng chúng ta phải xác định đúng hướng đi ngay từ thời điểm này. Nếu không, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh mãi chỉ là ước mơ của những đứa trẻ.
Chọc thủng lưới Việt Nam, cầu thủ có phong độ cao nhất Saudi Arabia đi vào lịch sử
Bàn thắng trên chấm phạt đền đã giúp tiền vệ Salem Al-Dawsari trở thành cầu thủ có nhiều trận ghi bàn liên tiếp nhất cho ĐT Saudi Arabia ở vòng loại World Cup.
Vũ Văn Thanh: Canh bạc thua đau của HLV Park Hang Seo và nỗi nhớ Đoàn Văn Hậu
Chọn Vũ Văn Thanh thay thế Đoàn Văn Hậu trấn giữ hành lang cánh trái là quyết định dễ đoán của HLV Park Hang Seo, nhưng ít ai ngờ ngôi sao của HAGL lại chơi tệ đến vậy...
Hàng thủ ĐT Việt Nam lâm nguy trước trận gặp Australia
ĐT Việt Nam sẽ gặp những thách thức không nhỏ bởi những vấn đề ở hàng phòng ngự khi trở về Mỹ Đình tiếp đón Australia.