WPA vs Matchroom: Trở mặt thành thù, đỉnh điểm xung đột và 'thủ phạm' đằng sau
Từ đối tác thân thiết, WPA và Matchroom lại "trở mặt thành thù", thậm chí đẩy xung đột lên đỉnh điểm. Khởi nguồn của câu chuyện buồn này đến từ một cá nhân độc đoán...
Ishaun Singh - chủ tịch WPA đã có những chia sẻ với Mike Molina - chủ blog Window’s Open, một trong những blog nổi tiếng và uy tín nhất của cộng đồng Billiard Pool trên Facebook về xung đột giữa WPA và Matchroom. Mike Molina chủ động đưa ra lời mời, Ishaun Singh đồng ý tham gia buổi phát sóng trực tiếp kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ trên Facebook Window’s Open.
Mối quan hệ giữa Matchroom và WPA - Từ đối tác thân thiết thành đối đầu
Vào năm 2019, Matchroom và WPA đi đến một thoả thuận về quyền “cấp phép cho Matchroom tổ chức World Pool Championship, hay được hiểu là giải “Vô địch Thế giới 9 bi”. Thực tế, Matchroom là đối tác thân thiết với WPA trong hai thập kỷ trước đó, là đơn vị tổ chức World Pool Championship giai đoạn 1999 tới 2007 (trước khi giải đấu này tạm hủy 2 năm do khủng hoảng kinh tế thế giới). Tuy nhiên, hợp đồng giữa Matchroom và WPA ở lần tái ký năm 2019 có bao gồm một số điều khoản ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG:
- Matchroom sẽ xây dựng một hệ thống xếp hạng (ranking) riêng ở bộ môn Pool 9 bi
- Suất tham dự World Pool Championship sẽ được Matchroom phân bổ theo cơ cấu sau:
+ 2 năm đầu tiên: 64 suất do Matchroom chỉ định dựa trên bảng xếp hạng ranking của Matchroom. Phần còn lại do WPA phân bổ với các liên đoàn thành viên.
+ Từ năm 2024: WPA có 28 suất phân bổ cho các liên đoàn thành viên, bao gồm 1 suất do WPA chỉ định dựa trên bảng xếp hạng của WPA. Phần còn lại theo bảng xếp hạng của Matchroom.
Nguồn cơn của xung đột
Một trong những vấn đề gây tranh cãi suốt thời gian dài, đặc biệt là khi Matchroom giới thiệu hệ thống WNT (World Nineball Tour) cũng như ranking của riêng họ, đó là: WNT Ranking và WPA Ranking xung đột với nhau ở đâu?
Theo hợp đồng đã ký như thông tin mà Ishaun Singh chia sẻ, WPA đồng ý với ranking của Matchroom, nhưng là một dạng ranking phục vụ riêng hệ thống WNT của Matchroom. Website của WPA cũng từng giới thiệu về hệ thống này và có tạo mục riêng cho WNT, với một điều kiện: Ranking của Matchroom không được xung đột với lợi ích của WPA và các liên đoàn thành viên, đặc biệt là các liên đoàn thành viên đang nhận tiền ngân sách từ chính phủ của họ để trả lương, hỗ trợ VĐV thi đấu quốc tế.
Hai bên đã ký hợp đồng với những điều khoản này, và mọi chuyện đều êm đẹp cho tới khi Hanoi Open 2023 (tiền thân là Asian Open 2023) xuất hiện.
Hanoi Open 2023 - Đỉnh điểm của xung đột giữa WPA và Matchroom
Theo thông tin từ chủ tịch WPA Ishaun Singh, lịch thi đấu từ đầu năm của WPA đã bao gồm thông tin công bố Qatar Open 2023. Hanoi Open 2023 chỉ được thông báo vào Quý 3 bởi Matchroom, tuy không trùng ngày Qatar Open nhưng diễn ra ở thời điểm rất sát Qatar Open và việc đó gây khó khăn với cả Ban tổ chức lẫn các cơ thủ tham dự. Mặt khác, một sự kiện “khởi động” Hanoi Open là Peri Open được công bố đột ngột, diễn ra trùng thời điểm với Qatar Open.
Đây là “giọt nước tràn ly” bởi xung đột lợi ích, khiến WPA phải hành động vì một “tiến trình lịch sử vô cùng quan trọng”. Cụ thể, sau năm 2007, Matchroom không tiếp tục tổ chức World Pool Championship. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng xoá sổ Pool khỏi sóng truyền hình Star Sports và ESPN, đẩy môn thể thao này vào thời kỳ đen tối. Tới năm 2010, Qatar đã tình nguyện đưa World Pool Championship về Doha và bền bỉ tổ chức giải đấu này tới hết 2019, trước khi COVID-19 bùng nổ.
Trong những giai đoạn khó khăn nhất, Qatar đã đứng ra cứu vớt World Pool Championship. Thế nên khi Qatar tiếp tục đứng ra tổ chức Qatar Open 2023 với mục tiêu tái khởi động pool trên lãnh thổ châu Á với phần thưởng 50.000 USD cho nhà vô địch, họ cảm thấy cuộc chơi không được tuân thủ. Cần nhớ rằng, chủ tịch ACBS - Liên đoàn Billiard Châu Á chính là người Qatar.
Vì vậy, quyết định của ACBS với các VĐV thuộc liên đoàn thành viên châu Á là phải lựa chọn: Hoặc tôn trọng “cấu trúc Olympic”, hoặc “rời khỏi các cuộc chơi có yếu tố Olympic - được hiểu là thể thao thành tích cao nhận ngân sách nhà nước”. Điều này dẫn tới án phạt lên 123 VĐV châu Á tham dự Hanoi Open và Peri Open (bao gồm đoàn VĐV của Singapore do quốc gia này tự ý tổ chức World Billiards mà không thông qua ACBS). Những VĐV này bị tước tư cách “VĐV đại diện cho quốc gia”. Hiểu đơn giản: Aloysius Yapp, Carlo Biado, Johann Chua, Nguyễn Anh Tuấn, Đỗ Thế Kiên… sẽ không được tham gia giải VĐQG cũng như đại diện cho tổ quốc dự SEA Games.
WPA không bào tiền
Ishaun Singh thừa nhận có rất nhiều chi tiết trong điều lệ hoạt động của WPA đã “vô cùng lỗi thời và những điều lệ cũ ít nhiều đã làm ảnh hưởng tới VĐV trong một thời gian dài”. Vì vậy, WPA cần một khoảng thời gian để kiện toàn lại quy chế hoạt động. Mặt khác, WPA cho rằng 6 tháng là khoảng thời gian để các bên tìm thấy tiếng nói chung, đặc biệt với Matchroom.
Khúc mắc lớn nhất giữa WPA và Matchroom nằm ở hai chữ “Cấp phép”. Vào cuối năm 2022, Matchroom đề nghị WPA công nhận “WNT Ranking là Bảng xếp hạng chính thức”. WPA không đồng ý, vì cho rằng Matchroom muốn “độc quyền sở hữu pool 9 bi”, trái với nguyên tắc trên hợp đồng đã ký 2019.
Theo Singh, WPA rất muốn làm việc tiếp với Matchroom, với một điều kiện duy nhất: Matchroom cấp phép các giải đấu theo văn bản hướng dẫn của WPA, tương tự như cách Predator, Trung Quốc hay Qatar vẫn làm với Matchroom. Singh khẳng định, WPA luôn nhận thức Matchroom là “khách hàng lớn” của họ trong hai thập kỷ qua, và họ không hề có ý định BÀO TIỀN của Matchroom.
Quan điểm của WPA là: Matchroom chỉ cần cấp phép tất cả giải đấu thuộc WNT theo quy định, tránh xung đột tới lịch thi đấu của các promoter khác (year-calendar) và trả một khoản lệ phí nhất định (theo tìm hiểu là 3% phí giải thưởng).
Ngoài ra, Heyball (Chinese Pool) đã dược ghi nhận vào hệ thống thi đấu hàng năm của WPA, nên tìm tiếng nói chung giữa các promoter là nhiệm vụ tối quan trọng với WPA trong 6 tháng tới đây.
Điều gì xảy ra nếu WPA và Matchroom "dứt tình" hoàn toàn?
Nếu tới ngày 1/3/2024, Matchroom không đạt được thỏa thuận với WPA, việc chia rẽ sẽ là hệ quả tất yếu. Các VĐV cũng phải chia đôi con đường. Điều mà người hâm mộ thắc mắc sẽ là WPA làm gì để duy trì cơ hội tham dự giải và kiếm tiền cho các VĐV lựa chọn ở lại với WPA, bởi Matchroom "có vẻ" sẽ cung cấp điều kiện tốt hơn về mặt kinh tế, từ các giải đấu đến tiền thưởng.
Theo tiết lộ của Singh, sẽ có 100 giải đấu “được cấp phép bởi WPA” từ năm 2024, trung bình mỗi giải nhận thêm 25.000 USD vào quỹ giải thưởng, và tổng số tiền được bơm thêm “thị trường giải đấu của WPA” là khoảng 2,5 triệu USD. Thực hư ra sao, tất nhiên vẫn phải chờ hồi tiếp của Singh và WPA.
Tại sao Matchroom từ chối “trả WPA lệ phí cấp phép”, khoảng 3% tiền giải thưởng dù họ đã làm việc này trong quá khứ?
Ian Anderson chính là câu trả lời. Trước Ishaun Singh, Ian Anderson là chủ tịch trong hơn 3 thập kỷ của WPA. Là hơn 30 năm, nói vậy là đủ hiểu được sự độc tài chuyên quyền trong cách điều hành của cựu VĐV snooker người Australia này.
Theo nguồn tin của Billiard Ithethao, vào năm 2020, tức một năm sau khi trao quyền tổ chức World Pool Championship cho Matchroom, Ian Anderson - người đứng đầu WPA bấy giờ, có một cuộc thương thảo “kỳ quặc” nhất lịch sử ngành thể thao với Barry Hearn – nhà sáng lập, chủ tịch của Matchroom. Theo đó, ngoài trao quyền tổ chức “Vô địch 9 bi Thế giới” cho Matchroom, thì Ian Anderson đồng ý “bán đứt thương hiệu Nineball cho Matchroom”. Đây chính là gốc rễ, là lý do sâu xa cho sự chia rẽ giữa WPA và Matchroom.
Con số theo tìm hiểu Matchroom đã trả cho WPA là: … 2 TRIỆU USD Như vậy, có nghĩa là Ian Anderson – thay mặt đại hội đồng WPA – đã bán đi thương hiệu một bộ môn (discipline) và cho phép một promoter như Matchroom được “độc quyền kinh doanh thương hiệu”.
Về phía Matchroom, logic của họ là dễ hiểu và không hề sai khi đứng ở cương vị bên mua. Vì Matchroom đã tốn một khoản tiền khổng lồ cho Anderson, họ không có lý do gì để trả khoản “phí cấp phép” theo thông lệ.
Nhưng quyết định này của Anderson đã vô tình tạo ra cơ chế “độc quyền” cho một nhà phát hành chương trình, ở một bộ môn mà vốn dĩ “sự độc quyền là rất không nên tồn tại”. Pool vừa là môn thể thao cá nhân, lại là môn thể thao có rất nhiều thể loại chơi khác nhau. Tách Nineball khỏi cấu trúc thể thao liên đoàn, cũng có nghĩa là Anderson tạo ra tiền lệ, cho phép các promoter khác “thực hiện những cuộc ly khai tiềm ẩn”.
Hãy lấy ví dụ như này cho dễ hiểu: Nếu Predator Pro Series – nhà phát hành phát triển 8 bi và 10 bi – không công nhận All Japan, giải pool 10 bi có tuổi đời hơn 100 năm thì chuyện gì sẽ xảy ra? Hoặc Joy Heyball ra lệnh cấm VĐV tham dự CBSA-Xingpai (cùng nội dung Chinese Pool)? Pool, một môn thể thao vốn đã có sự phân hoá khủng khiếp về luật chơi, sẽ đứng trước nguy cơ bị cấu xé, tồn tại quá nhiều hệ thống xếp hạng.
Hệ lụy này đã xảy ra với chính Nineball, khi Qatar Open tổ chức nội dung 9 bi nhưng giải đấu này không được xếp hạng WNT của Matchroom, lại mang tiếng xấu với cộng đồng người hâm mộ Pool, những người cho rằng Qatar Open “dây máu ăn phần”, “kém miếng nên khó chịu”.
Trở lại với Anderson, sau khi nhận 2 triệu USD, không rõ Ian Anderson sử dụng số tiền này như thế nào. Chỉ biết rằng, nhân vật này đã để lại một mớ hỗn độn. Cùng với việc bổ nhiệm Ishaun Singh, cựu Tổng thư ký kiêm Giám đốc thể thao WPA lên kế nhiệm, Anderson tiếp tục… leo cao, nắm chức phó chủ tịch WCBS – Liên đoàn tổng hợp các bộ môn billiard & snooker thế giới, cơ quan quản lý trực tiếp của WPA.
Quyết định độc đoán, liều lĩnh và kỳ quặc của Anderson trực tiếp tạo cơ chế xấu cho pool: Giao quá nhiều quyền hạn cho một promoter, đánh mất mối quan hệ với promoter, đánh mất hình ảnh và vị thế của tổ chức quản lý cấp thế giới, và cuối cùng đẩy VĐV vào ngã ba đường.
“Cấu trúc Olympic” là khái niệm đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam tồn tại xuyên suốt ngành thể thao. Cấu trúc này có thể không cần thiết tại các quốc gia phát triển, các quốc gia có nền thể thao xã hội hoá sâu rộng như Mỹ nhưng là cứu cánh, là nồi cơm của những nền thể thao non trẻ cần sự đầu tư của nhà nước.. Cấu trúc này cũng có thể không phù hợp với những môn thể thao mà xuất phát điểm của VĐV là rất cao như golf hay quần vợt nhưng là “nồi cơm”, là “miếng cơm manh áo” của rất nhiều VĐV billiard, những VĐV thường có xuất phát điểm khiêm tốn.
Billiard Ithethao xin phép kể một ví dụ về “tầm quan trọng của lương nhà nước” với billiard Việt Nam: Tay cơ Thế Hiển, biệt danh “Hiển dần” gần như đã từ bỏ sự nghiệp billiard nhà nghề, nhưng tháng 6-7 hàng năm vẫn xuất hiện ở vòng 2 giải VĐQG và cố gắng lọt vào Top 16 chung cuộc để đủ điều kiện giữ lương nhà nước. 10, 12 triệu có thể không là gì với người này, nhưng là khoản tiền cấp thiết với người khác.
Cuối cùng, lựa chọn bán đứt thương hiệu Nineball của Anderson là quyết định đẩy thế giới pool vào trạng thái hỗn loạn, và buộc VĐV phải “chọn phe”. Nếu đây là kết quả cuối cùng vào ngày 1/3, thì đây là kết cục đáng buồn của một bộ môn đang hồi sinh từ cõi chết, trên đà phát triển mạnh mẽ. VĐV, là những người gánh hậu quả sau cùng.
CLB cũ của HLV Kim Sang Sik bên bờ vực xuống hạng
Chiều nay, trận đấu cuối cùng giải VĐQG Hàn Quốc đã diễn ra, mang tới nỗi buồn cho các đội bóng đứng ở 3 vị trí cuối cùng gồm Incheon, Daegu và đặc biệt là Jeonbuk. CLB từng vô địch Hàn Quốc cách đây 3 năm dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang Sik đang đối diện nguy cơ xuống hạng.
Nhận định Botosani vs Politehnica Iasi, VĐQG Romania, lực lượng, đội hình dự kiến
Nhận định Botosani vs Politehnica Iasi lúc 22h30 ngày 25/11 tại giải VĐQG Romania hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Botosani vs Politehnica Iasi.
Nhận định Hyderabad vs Odisha, VĐQG Ấn Độ, lực lượng, đội hình dự kiến
Nhận định Hyderabad vs Odisha lúc 21h00 ngày 24/11 tại giải VĐQG Ấn Độ hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Hyderabad vs Odisha.
Nhận định Al Ain vs Al-Ahli Saudi, Cup C1 châu Á, lực lượng, đội hình dự kiến
Nhận định Al Ain vs Al-Ahli Saudi lúc 21h00 ngày 25/11 tại giải Cup C1 châu Á hôm nay. Cập nhật thông tin lực lượng, đội hình dự kiến, dự đoán tỷ số trận đấu Al Ain vs Al-Ahli Saudi.